Người gây rối trật tự công cộng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ của hành vi.
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017;
- Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP, được sửa, bổ sung bởi Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Luật sư cho em hỏi, nếu một nhóm người có hành vi cãi nhau, đánh nhau ở nơi công cộng, nhưng không gây thương tích thì có bị xử tội gây rối không? và có được hưởng án treo không?
-
Hành vi nào là gây rối trật tự công cộng?
Căn cứ khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, hành vi gây rối trật tự công cộng là những hành vi diễn ra ở nơi công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Như vậy, các hành vi thực hiện ở nơi công cộng có thể bị xem là gây rối như:
- Cãi nhau, phá phách, có cử chỉ, lời nói thiếu văn hóa, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác;
- Tụ tập, hò hét, đua xe trái phép;
- Tụ tập ẩu đả, đánh nhau ở nơi công cộng…
-
Mức phạt hình sự của tội gây rối trật tự công cộng
Tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi gây rối, người có hành vi gây rối trật tự công cộng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:
Khung 1: phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm nếu:
- Gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội
- Hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này
- Hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm
Khung 2: phạt tù từ 02 năm đến 07 năm nếu:
- Phạm tội có tổ chức;
- Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
- Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
- Xúi giục người khác gây rối;
- Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
- Tái phạm nguy hiểm
-
Gây rối trật tự công cộng có được hưởng án treo không?
Căn cứ Điều 2 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP, người phạm tội có thể được hưởng án treo nếu có đủ các điều kiện:
- Bị xử phạt tù không quá 03 năm;
- Người bị xử phạt tù có nhân thân là ngoài lần phạm tội này, người phạm tội chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc…;
- Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sựvà không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
- Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.
- Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục….
- Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Theo các khung hình phạt tại Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2018, người phạm tội gây rối trật tự công cộng có thể chịu hình phạt tù dưới 3 năm, là một trong những điều kiện để được hưởng án treo theo quy định nêu trên.
Như vậy, nếu người phạm tội gây rối trật tự công cộng có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nơi cư trú ổn định thì có thể được xem xét được hưởng án treo.