Vợ, chồng có quyền sở hữu tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân và đưa tài sản đó vào kinh doanh. Tuy nhiên cần lưu ý về khoản thu nhập phát sinh từ tài sản này.
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Tôi có căn nhà là tài sản riêng do ba mẹ tôi cho. Bây giờ tôi cho thuê lấy tiền sinh hoạt thêm thì tiền này là của riêng tôi hay là tiền chung của cả hai vợ chồng?
Vợ, chồng có thể có tài sản riêng của mỗi người. Thông thường đó là các tài sản có trước thời kỳ hôn nhân hoặc tài sản được thừa kế riêng, được cho riêng.
Nếu vợ, chồng không có văn bản về chế độ tài sản theo thỏa thuận, cũng không có văn bản thỏa thuận chia sản chung trong thời kỳ hôn nhân, thì hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng được giải quyết theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:
Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng
- Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
- Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Theo quy định trên: hoa lợi, lợi tức thu được trong thời kỳ hôn nhân từ việc khai thác, kinh doanh tài sản riêng sẽ là tài sản chung của vợ, chồng. Trong đó:
- Hoa lợi là sản vật tự nhiên có được từ tài sản;
- Lợi tức phát sinh là khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản.