Chủ xe cơ giới tham gia giao thông phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Vậy vì sao phải mua loại bảo hiểm này?
Căn cứ pháp lý:
- Nghị định số 214/2013/NĐ-CP;
- Thông tư số 22/2016/TT-BTC.
-
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xảy ra tai nạn giao thông
Khi xảy ra tai nạn giao thông, sẽ phát sinh nghĩa vụ bồi thường của người gây ra tai nạn đối với người bị thiệt hại. Các thiệt hại mà người gây ra tai nạn phải bồi thường là sức khỏe, tính mạng, tài sản của người bị hại. Trách nhiệm bồi thường này gọi là trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng, được quy định tại Bộ luật Dân sự.
Ví dụ, anh A điều khiển xe ô tô thiếu quan sát gây tai nạn giao thông với chị B đang điều khiển xe máy cùng chiều. Hậu quả là chị B bị gãy một chân và xe máy hư hỏng nặng do bị cuốn vào gầm xe ô tô. Trường hợp này, anh A sẽ phải bồi thường dân sự cho chị B các thiệt hại sau:
- Thiệt hại về sức khỏe của chị B;
- Thiệt hại về tài sản của chị B là hư hỏng chiếc xe máy.
-
Vì sao chủ xe cơ giới phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự
Trong một vụ tai nạn giao thông, các bên sẽ thường được hướng dẫn tự thỏa thuận với nhau về bồi thường thiệt hại. Trường hợp các bên không thỏa thuận được, để nhận được bồi thường từ người có lỗi gây ra tai nạn, bên bị thiệt hại sẽ khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như đã nêu trên.
Việc giải quyết yêu cầu bồi thường tại tòa án sẽ trải qua nhiều giai đoạn, do đó khó có thể bù đắp ngay các tổn thất của người bị thiệt hại, hoặc có trường hợp người gây tai nạn không đủ khả năng kinh tế để có thể bồi thường kịp thời cho người bị thiệt hại. Vì vậy, để sớm khắc phục một phần hoặc toàn bộ thiệt hại của người bị thiệt hại, Nhà nước quy định loại hình sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người bị thiệt hại trong vụ tai nạn giao thông. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả cho chủ xe cơ giới số tiền mà họ đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
-
Phân biệt bảo hiểm bắt buộc TNDS và bảo hiểm tự nguyện vật chất xe
Sự khác biệt chính giữa hai loại bảo hiểm này là chủ thể của thiệt hại được bồi thường.
- Trong bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới: Căn cứ Điều 5 Thông tư số 22/2016/TT-BTC, thiệt hại được bồi thường là các thiệt hại của người bị hại (bên thứ ba) trong vụ tai nạn giao thông do chủ xe cơ giới gây ra hoặc thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của hành khách trên xe cơ giới gây ra tai nạn. Bên thứ 3 có thể là cá nhân hoặc tổ chức có thiệt hại trong vụ tai nạn giao thông. Trong ví dụ trên, bên thứ ba là chị B. Hiện nay, mức trách nhiệm và nguyên tắc bồi thường của loại hình bảo hiểm này được quy định tại Thông tư số 22/2016/TT-BTC
- Trong bảo hiểm tự nguyện vật chất xe: thiệt hại được bồi thường là các thiệt hại của chính chủ sở hữu chiếc xe tham gia bảo hiểm. Mức trách nhiệm bảo hiểm, thủ tục, nguyên tắc bồi thường… của loại bảo hiểm này được các doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng tại quy tắc bảo hiểm riêng cho từng doanh nghiệp trước khi cung cấp ra thị trường.