Việc lập di chúc đối với tài sản đang thế chấp không ảnh hưởng đến quyền lợi của bên nhận thế chấp.
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13.
Chúng tôi nhận được một câu hỏi của khách hàng như sau: Ba em hiện có một miếng đất và muốn lập di chúc để lại cho cháu nội. Tuy nhiên hiện nay miếng đất trên đang được ba em thế chấp tại ngân hàng cho một khoản vay 800 triệu đồng nên ngân hàng đang giữ sổ hồng. Vậy ba em có thể lập di chúc được hay không?
-
Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 615 Bộ luật Dân sự, nếu người chết chưa thực hiện xong nghĩa vụ của mình thì những người thừa kế phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của người chết nếu người đó để lại di sản thừa kế:
Điều 615. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Như vậy, trong câu hỏi cụ thể trên, nếu người ba chết mà chưa thanh toán hết khoản vay 800 triệu đồng, nhưng có để lại tài sản thừa kế thì người thừa kế di sản phải tiếp tục thực hiện thanh toán nợ với ngân hàng trong phạm vi di sản thừa kế mà người ba để lại.
-
Được lập di chúc mặc dù tài sản đang được thế chấp
Từ quy định tại Điều 615 Bộ luật Dân sự nêu trên, cho thấy quyền lợi của ngân hàng vẫn được bảo vệ khi người vay chết và tài sản thế chấp được chia thừa kế. Hiện nay, pháp luật không có quy định nào cấm việc bên thế chấp lập di chúc định đoạt tài sản đang thế chấp. Vì vậy, với trường hợp câu hỏi trên, người ba vẫn có thể lập di chúc đối với thửa đất đang được thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng.
Thực tế khi công chứng di chúc, công chứng viên sẽ yêu cầu người lập di chúc xuất trình bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để kiểm tra. Vì vậy, người lập di chúc cần liên hệ ngân hàng để cùng phối hợp xuất trình bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện công chứng di chúc.