Cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải tuân thủ một số điều kiện nhất định để bảo đảm quyền lợi của người mua và người bán trong giao dịch bất động sản
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014;
- Nghị định số 16/2022/NĐ-CP.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau: Tôi là người địa phương ở quê, hai năm nay chuyên đi môi giới nhà đất để hưởng hoa hồng. Nay tôi muốn lập hợp đồng môi giới để bớt phiền và không bị nộp thuế được không?
-
Điều kiện hành nghề môi giới bất động sản
Môi giới bất động sản là hoạt động trung gian cho các bên mua, bên bán để thực hiện giao dịch về bất động sản.
Cá nhân có quyền hành nghề môi giới bất động sản, tuy nhiên phải đáp ứng đủ các điều kiện theo khoản 2 Điều 62 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 như sau:
- Phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản;
- Đăng ký nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
-
Quy định chung về hợp đồng môi giới bất động sản
Khi hành nghề môi giới bất động sản, cá nhân hành nghề phải lập hợp đồng môi giới có đầy đủ các nội dung cần thiết.
Cụ thể, căn cứ khoản 2, 3, 4 Điều 61 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, hợp đồng môi giới bất động sản là một loại hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản, và được quy định như sau:
Điều 61. Hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản
2. Hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản phải được lập thành văn bản. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng do các bên thỏa thuận.
3. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng do các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng. Trường hợp hợp đồng có công chứng, chứng thực thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực. Trường hợp các bên không có thỏa thuận, không có công chứng, chứng thực thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm các bên ký kết hợp đồng.
4. Hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản do các bên thỏa thuận và phải có các nội dung chính sau đây:
- a) Tên, địa chỉ của các bên;
- b) Đối tượng và nội dung dịch vụ;
- c) Yêu cầu và kết quả dịch vụ;
- d) Thời hạn thực hiện dịch vụ;
- đ) Phí dịch vụ, thù lao, hoa hồng dịch vụ;
- e) Phương thức, thời hạn thanh toán;
- g) Quyền và nghĩa vụ của các bên;
- h) Giải quyết tranh chấp;
- i) Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
Theo quy định trên, cá nhân môi giới bất động sản phải lập hợp đồng môi giới bằng văn bản, và nội dung hợp đồng phải có những điều khoản cần thiết như trên.
-
Không lập hợp đồng môi giới bất động sản được không?
Theo quy định tại Điều 61 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, người hoạt động môi giới bắt buộc phải lập hợp đồng môi giới. Nếu vi phạm, người môi giới có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP như sau:
Điều 59. Vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ bất động sản
2. Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- a) Kinh doanh dịch vụ bất động sản mà không thành lập doanh nghiệp theo quy định hoặc không đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản theo quy định hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định;
- b) Hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản không được lập thành văn bản hoặc không đầy đủ các nội dung chính theo quy định;
- c) Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định;
- d) Sàn giao dịch bất động sản không có quy chế hoạt động hoặc hoạt động sai quy chế được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc hoạt động không có tên, địa chỉ theo quy định hoặc thay đổi tên, địa chỉ hoạt động nhưng không thông báo đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định;
- đ) Thu các loại phí kinh doanh dịch vụ bất động sản mà pháp luật không quy định.
Cần lưu ý:
- Mức phạt nêu trên được áp dụng để xử phạt các tổ chức vi phạm.
- Nếu cá nhân hành nghề môi giới vi phạm thì mức phạt bằng ½ mức phạt đối với tổ chức.