Đại lý thương mại là loại hình hợp tác kinh doanh rất phổ biến. Hợp đồng đại lý nếu được quy định chặt chẽ và cụ thể thì việc hợp tác sẽ thuận lợi và hạn chế xảy ra xung đột
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Thương mại năm 2005.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Em muốn mở một cửa hàng kinh doanh phân bón ở quê và kế hoạch sẽ bán các loại phân hữu cơ do các công ty sản xuất. Họ gửi em hợp đồng để ký. Em nhờ luật sư tư vấn thêm cho em các quy định về hợp đồng này.
Với câu hỏi cụ thể này, cá nhân kinh doanh nhận bán các sản phẩm do các công ty sản xuất có thể ký hợp đồng đại lý thương mại để hưởng thù lao đại lý theo quy định tại Luật Thương mại năm 2005.
Cụ thể, khi giao kết hợp đồng đại lý thương mại, cần lưu ý một số nội dung cơ bản như sau:
-
Đại lý thương mại là gì?
Hiện nay, hình thức đại lý được rất nhiều tổ chức, cá nhân (được gọi là bên đại lý) lựa chọn kinh doanh để bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ của tổ chức, doanh nghiệp khác (được gọi là bên giao đại lý). Các đại lý phổ biến thường là bên bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ được biết đến bằng tên gọi “nhà phân phối”.
Tuy nhiên, thực tế còn có loại hình đại lý thu mua, thường thấy ở ngành nông nghiệp, đó là các cá nhân, hộ gia đình thu mua nông sản để cung cấp cho doanh nghiệp chế biến.
Căn cứ Điều 167 Luật Thương mại năm 2005, bên giao đại lý và bên đại lý được quy định như sau:
- Bên giao đại lý là thương nhân giao hàng hoá cho đại lý bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lý mua hoặc là thương nhân uỷ quyền thực hiện dịch vụ cho đại lý cung ứng dịch vụ.
- Bên đại lý là thương nhân nhận hàng hoá để làm đại lý bán, nhận tiền mua hàng để làm đại lý mua hoặc là bên nhận uỷ quyền cung ứng dịch vụ.
-
Các hình thức đại lý
Theo quy định tại Điều 167 nêu trên, đại lý có thể thực hiện 2 chức năng:
- Đại lý bán hàng, cung cấp dịch vụ;
- Đại lý mua hàng, thực hiện dịch vụ.
Để thực hiện 2 chức năng này, bên giao đại lý và bên đại lý có thể lựa chọn các hình thức đại lý cụ thể để hợp tác theo quy định tại Điều 169 Luật Thương mại năm 2005 như sau:
- Đại lý bao tiêu là hình thức đại lý mà bên đại lý thực hiện việc mua, bán trọn vẹn một khối lượng hàng hoá hoặc cung ứng đầy đủ một dịch vụ cho bên giao đại lý.
- Đại lý độc quyền là hình thức đại lý mà tại một khu vực địa lý nhất định bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một hoặc một số loại dịch vụ nhất định.
- Tổng đại lý mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ là hình thức đại lý mà bên đại lý tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc để thực hiện việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lý. Tổng đại lý đại diện cho hệ thống đại lý trực thuộc. Các đại lý trực thuộc hoạt động dưới sự quản lý của tổng đại lý và với danh nghĩa của tổng đại lý.
- Các hình thức đại lý khác mà các bên thỏa thuận.
Với mỗi hình thức hợp tác, các bên thường có những thỏa thuận riêng để phù hợp với nhu cầu thực tế. Ví dụ một số thỏa thuận thường gặp:
- Ấn định giá mua, giá bán hàng hoá mà đại lý sẽ bán cho khách hàng;
- Ấn định giá thực hiện dịch vụ mà đại lý sẽ thực hiện cho khách hàng;
- Ấn dịch giá giao cho đại lý;
- Cam kết về doanh thu tối thiểu mà bên đại lý phải đạt được;
- Việc kiểm tra, giám sát bên đại lý thực hiện hợp đồng đại lý đã ký.
-
Thời hạn của hợp đồng đại lý
Trên cơ sở pháp luật dân sự, bên giao đại lý và bên đại lý có quyền tự do thỏa thuận về thời hạn hợp tác kinh doanh, cũng như các chế tài khi một bên vi phạm về thời hạn hợp tác.
Nếu các bên không thỏa thuận về thời hạn hợp tác thì thời hạn mặc định được quy định tại Điều 177 Luật Thương mại năm 2005 như sau:
- Trừ trường hợp có thoả thuận khác, thời hạn đại lý chỉ chấm dứt sau một thời gian hợp lý nhưng không sớm hơn 60 ngày, kể từ ngày một trong hai bên thông báo bằng văn bản cho bên kia về việc chấm dứt hợp đồng đại lý.
- Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu bên giao đại lý thông báo chấm dứt hợp đồng theo quy định trên thì bên đại lý có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường một khoản tiền cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý đó.
- Giá trị của khoản bồi thường là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý cho mỗi năm mà bên đại lý làm đại lý cho bên giao đại lý. Trong trường hợp thời gian đại lý dưới một năm thì khoản bồi thường được tính là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý.
- Nếu bên đại lý yêu cầu chấm dứt hợp đồng đại lý thì bên đại lý không có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý.
-
Thù lao của đại lý
Bên giao đại lý và bên đại lý có quyền thỏa thuận áp dụng nhiều các tính thù lao đại lý. Có thể là:
- Tiền hoa hồng trên doanh số/sản lượng,
- Hoặc chênh lệch giữa giá giao đại lý và giá bán cho khách hàng, …;
- Hoặc hình thức khác theo thỏa thuận.
Cụ thể Điều 171 Luật Thương mại năm 2005 quy định về thù lao mà bên đại lý được nhận như sau:
- Nếu bên giao đại lý ấn định giá mua, giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng thì bên đại lý được hưởng hoa hồng tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá mua, giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ.
- Nếu bên giao đại lý chỉ ấn định giá giao đại lý cho bên đại lý thì bên đại lý được hưởng chênh lệch giá. Mức chênh lệch giá được xác định là mức chênh lệch giữa giá mua, giá bán, giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng so với giá do bên giao đại lý ấn định cho bên đại lý.
Chúng tôi khuyến nghị các bên trong hợp đồng đại lý nên quy định cụ thể thù lao đại lý để làm cơ sở thực hiện, tạo điều kiện hợp tác lâu dài và hạn chế tranh chấp.
Nếu các bên không có thoả thuận về mức thù lao đại lý thì mức thù lao được xác định theo nguyên tắc tại khoản 4 Điều 171 Luật Thương mại năm 2005 như sau:
- Mức thù lao thực tế mà các bên đã được trả trước đó;
- Trường hợp không áp dụng được điểm a khoản này thì mức thù lao đại lý là mức thù lao trung bình được áp dụng cho cùng loại hàng hoá, dịch vụ mà bên giao đại lý đã trả cho các đại lý khác;
- Trường hợp không áp dụng được điểm a và điểm b khoản này thì mức thù lao đại lý là mức thù lao thông thường được áp dụng cho cùng loại hàng hoá, dịch vụ trên thị trường.