Vợ chồng có thể thỏa thuận phân chia tài sản chung, tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân. Việc phân chia tài sản sẽ dẫn đến phân chia hoa lợi, lợi tức phát sinh
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Hôn nhân gia đình năm 2014.
Chúng tôi nhận được câu hỏi của khách hàng như sau: Năm 2018, vợ chồng tôi có làm thỏa thuận phân chia tài sản. Trong đó có số tiền tiết kiệm khoảng 15 tỷ, chồng tôi nhận 7 tỷ, còn tôi nhận 8 tỷ. Chúng tôi đều kinh doanh riêng. Tôi gửi riêng 5 tỷ tiết kiệm ngân hàng. Nay vợ chồng tôi ly hôn, nhưng anh muốn chia phần tiền lãi ngân hàng của tôi. Số tiền lãi đến nay cũng khá lớn, tôi có phải chia không?
-
Tài sản nào là tài sản riêng của vợ, chồng
Pháp luật hôn nhân và gia đình có các quy định mang tính nguyên tắc xác định tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng.
Cụ thể căn cứ Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tài sản riêng của vợ, chồng được xác định theo nguyên tắc sau đây:
Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng
1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Ngoài ra, trong thời kỳ hôn nhân, vợ, chồng cũng có thể thỏa thuận phân chia tài sản chung thành tài sản riêng theo quy định tại Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình. Thỏa thuận này phải được lập thành văn bản.
-
Hệ quả của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
Theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình nêu trên, tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng.
Ngoài ra, căn cứ Điều 40 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về hậu quả của việc phân chia tài sản chung vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân như sau:
Điều 40. Hậu quả của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
1. Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng.
2. Thỏa thuận của vợ chồng quy định tại khoản 1 Điều này không làm thay đổi quyền, nghĩa vụ về tài sản được xác lập trước đó giữa vợ, chồng với người thứ ba.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 40 và khoản 2 Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình nêu trên, sau khi phân chia tài sản chung vợ, chồng trở thành tài sản riêng thì hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng cũng được coi là tài sản riêng của mỗi bên.
Do đó, trong trường hợp câu hỏi cụ thể nêu trên, sau khi vợ, chồng đã phân chia tiền tiết kiệm, người vợ gửi 5 tỷ được chia sở hữu riêng tại ngân hàng, thì tiền lãi ngân hàng phát sinh từ 5 tỷ tiền gửi này cũng là tài sản riêng của người vợ, nên không phải chia cho người chồng khi ly hôn.