Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn là một loại việc dân sự được tòa án giải quyết theo yêu cầu của vợ, chồng và không phải là một vụ án ly hôn
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
- Luật Cư trú năm 2020.
Trong một vụ án tranh chấp dân sự, thông thường người khởi kiện phải nộp đơn khởi kiện cho tòa án tại địa phương nơi người bị kiện cư trú hoặc có trụ sở.
Trong khi đó, căn cứ khoản 2 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn là một loại việc dân sự, không phải là vụ án tranh chấp do đó không áp dụng quy định chung nêu trên.
Ngoài ra:
Căn cứ điểm h khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ như sau:
2. Thẩm quyền giải quyết việc dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
h) Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn;
Căn cứ Điều 11 Luật Cư trú năm 2020 có quy định về nơi cư trú của công dân như sau:
Điều 11. Nơi cư trú của công dân
1. Nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú.
2. Trường hợp không xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi cư trú của công dân là nơi ở hiện tại được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này.
Theo các quy định trên, khi yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, hai bên vợ, chồng có quyền lựa chọn nộp đơn tại tòa án nơi vợ hoặc chồng cư trú, làm việc, mà không quy định phải là nơi thường trú.
Do đó, vợ, chồng có quyền nộp đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn tại tòa án nơi vợ, chồng thường trú hoặc tạm trú đều được chấp nhận.