Người vợ chỉ ở nhà nội trợ, trong khi người chồng đi làm kiếm tiền, vậy khi ly hôn thì người vợ có được chia tài sản không?
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
- Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP.
Chúng tôi nhận được câu hỏi của khách hàng liên quan đến chia tài sản khi ly hôn như sau: Tôi ở quê ít được học hành nên khi lấy chồng tôi chỉ ở nhà nội trợ để chồng đi làm ăn. Thời gian sống chung thì chồng tôi có mở công ty và mua được rất nhiều nhà đất. Nhưng nay chồng tôi ngoại tình nên tôi muốn ly hôn. Tôi muốn hỏi tôi có được tự đi làm thủ tục ly hôn không? và tôi có được chia tài sản hay không?
-
Quyền yêu cầu ly hôn đơn phương
Ly hôn là một trong những quyền về nhân thân. Vợ hoặc chồng đều có quyền nộp đơn yêu cầu ly hôn.
Căn cứ Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, quyền nộp đơn ly hôn được quy định như sau:
1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Theo quy định trên, một mình người vợ cũng có quyền nộp đơn ly hôn. Trường hợp này được gọi là ly hôn đơn phương.
Ngoài ra, căn cứ Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, khi có đơn yêu cầu ly hôn đơn phương, tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn khi có những căn cứ dưới đây:
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
Như vậy, người chồng có hành vi ngoại tình. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Do đó, người vợ có quyền tự mình nộp đơn yêu cầu giải quyết ly hôn tại tòa án.
-
Vợ chỉ ở nhà nội trợ có được chia tài sản?
Thực tế cuộc sống cho thấy, trong rất nhiều gia đình, chỉ người chồng làm việc tạo ra thu nhập cho cả gia đình, còn người vợ ở nhà chăm lo việc nội trợ và không tạo ra thu nhập. Do vậy pháp luật có những quy định để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người vợ khi ly hôn.
Căn cứ khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình số 2014 quy định tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Căn cứ điểm a, b khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn quy định trên như sau:
Điều 7. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn
4. Trường hợp áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn thì tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia:
a) “Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng”là tình trạng về năng lực pháp luật, năng lực hành vi, sức khỏe, tài sản, khả năng lao động tạo ra thu nhập sau khi ly hôn của vợ, chồng cũng như của các thành viên khác trong gia đình mà vợ chồng có quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn được chia phần tài sản nhiều hơn so với bên kia hoặc được ưu tiên nhận loại tài sản để bảo đảm duy trì, ổn định cuộc sống của họ nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình và của vợ, chồng.
b) “Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung”là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn.
Theo các quy định trên, nếu người vợ ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái thì vẫn được coi là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của người chồng đi làm.
Ngoài ra, nguyên tắc chung là vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.
Do vậy, trong ví dụ cụ thể nêu trên, mặc dù người vợ chỉ ở nhà nội trợ nhưng nếu ly hôn thì người vợ vẫn được phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.