Doanh nghiệp khi vay vốn từ công ty mẹ hoặc đối tác nhưng không trả được nợ thì có thể chuyển đổi khoản vay thành vốn góp và tăng vốn điều lệ
Căn cứ pháp lý:
- Luật Doanh nghiệp năm 2020;
- Thông tư số 03/2016/TT-NHNN.
Một trong những cách huy động vốn được nhiều doanh nghiệp lựa chọn là vay từ công ty mẹ, nhà đầu tư hiện hữu, hoặc các đối tác khác. Việc giao kết hợp đồng vay để huy động vốn là kênh hiệu quả về mặt thủ tục và chi phí. Khi đến hạn trả nợ, có các phương án bao gồm:
- Bên vay trả nợ gốc và lãi theo thỏa thuận tại hợp đồng vay;
- Bên vay và bên cho vay có thể tiếp tục thỏa thuận để gia hạn thời hạn vay;
- Bên vay và bên cho vay thỏa thuận chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ khoản nợ thành vốn góp trong công ty đồng thời tăng vốn điều lệ. Trường hợp này, bên cho vay sẽ tăng tỷ lệ sở hữu trong công ty hoặc trở thành một trong những chủ sở hữu công ty.
Với phương án 1 và 2 thì về cơ bản không làm thay đổi vai trò của bên cho vay đối với hoạt động kinh doanh của bên vay.
Với phương án 3, khi bên cho vay trở thành chủ sở hữu của công ty thì họ có quyền tham gia điều hành và quản lý công ty và được hưởng lợi tức từ hoạt động đầu tư vốn. Chúng tôi sẽ trình bày một số vấn đề cần lưu ý khi doanh nghiệp thực hiện phương án này.
- Những vấn đề cần lưu ý
Hiện nay, không có hướng dẫn chi tiết để thực hiện việc chuyển đổi khoản vay thành vốn góp công ty, ngoài một quy định mở tại Điểm b Khoản 2 Điều 34 Thông tư số 03/2016/TT-NHNN:
Điều 34. Các trường hợp rút vốn, trả nợ không thực hiện qua tài Khoản vay, trả nợ nước ngoài
2. Các trường hợp trả nợ không thông qua tài Khoản vay, trả nợ nước ngoài:
b) Trả nợ bằng cổ phần hoặc phần vốn góp của Bên đi vay phù hợp với quy định của pháp luật;
Theo quy định trên, bản chất hoạt động chuyển đổi khoản vay thành vốn góp là việc trả nợ, nhưng thay vì trả nợ bằng tiền, các bên thỏa thuận chuyển khoản nợ đó thành vốn điều lệ tăng thêm của công ty. Ngoài ra, thay vì nhà đầu tư thực hiện thanh toán sau khi đăng ký mua phần vốn góp tăng thêm, với trường hợp này, số tiền mua vốn góp đã được thực hiện trước đó thông qua quá trình giải ngân khoản vay và việc phát sinh lãi vay. Do vậy, để thực hiện hoạt động này, các bên cần lưu ý những vấn đề sau:
- Do tăng vốn điều lệ nên phải có sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu công ty trước khi chuyển đổi
- Hợp đồng vay đã giao kết phải có thật và hợp pháp
- Nếu đó là khoản vay nước ngoài thì:
-
- Phải đăng ký khoản vay với Ngân hàng Nhà nước nếu đó là vay trung và dài hạn
- Phải thông báo khoản vay với Ngân hàng Nhà nước nếu đó là vay ngắn hạn
- Khoản vay phải được chuyển vào tài khoản vốn đầu tư trực tiếp hoặc tài khoản vay của công ty
- Sau khi chuyển đổi, tỷ lệ vốn góp trong công ty của nhà đầu tư nước ngoài phải tuân thủ giới hạn sở hữu (nếu có) theo quy định pháp luật
- Công ty có vốn đầu tư nước ngoài phải tuân thủ các điều kiện về đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam theo quy định pháp luật
-
Thủ tục chuyển đổi khoản vay thành vốn góp
Để thực hiện chuyển đổi khoản vay thành vốn góp, bên cho vay và công ty vay tham khảo trình tự sau đây:
- Lập văn bản thỏa thuận về việc chuyển đổi khoản vay thành vốn góp. Văn bản này cần thể hiện rõ số nợ gốc, nợ lãi, tỷ lệ chuyển đổi vốn vay thành vốn góp là bao nhiêu, tỷ lệ sở hữu sau khi chuyển đổi, thời điểm chuyển đổi,…
- Tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông, hội đồng thành viên thông qua, phê chuẩn việc tăng vốn điều lệ
- Các thủ tục hành chính cần thực hiện:
-
- Xin chấp thuận việc mua cổ phần/phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do tăng vốn điều lệ và thay đổi thành viên góp vốn
- Thông báo thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: thay đổi vốn đầu tư thực hiện dự án, thông tin nhà đầu tư nước ngoài
- Thông báo cho Ngân hàng Nhà nước việc trả nợ bằng cổ phần/ phần vốn góp