Án treo có thể được xem xét áp dụng khi người phạm tội bị xử phạt tù không quá 03 năm, nhân thân tốt và nhiều tình tiết giảm nhẹ
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật hình sự năm 2015;
- Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP;
- Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP.
Khi bị kết án tù có thời hạn, người phạm tội thường mong muốn sẽ được hưởng án treo. Theo quy định pháp luật, án treo có thể được tòa án xem xét áp dụng nếu người phạm tội bị xử phạt tù không quá 03 năm, có nhân thân tốt và có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
Tuy nhiên có những trường hợp người phạm tội không được xem xét cho hưởng án treo mặc dù có thể đáp ứng những điều kiện trên. Cụ thể có 6 trường hợp được quy định tại Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP có hiệu lực kể từ ngày 10/5/2022 và có phần mở rộng hơn so với trước đây tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP. Cụ thể như sau:
- Người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
- Người thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn và đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng truy nã hoặc yêu cầu truy nã, trừ trường hợp đã ra đầu thú trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử
- Người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách; người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo.
- Người phạm tội bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội, trừ một trong các trường hợp sau đây:
- Người phạm tội là người dưới 18 tuổi;
- Người phạm tội bị xét xử và kết án về 02 tội đều là tội phạm ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là người giúp sức trong vụ án đồng phạm với vai trò không đáng kể
- Người phạm tội 02 lần trở lên, trừ một trong các trường hợp sau:
- Người phạm tội là người dưới 18 tuổi;
- Các lần phạm tội đều là tội phạm ít nghiêm trọng;
- Các lần phạm tội, người phạm tội là người giúp sức trong vụ án đồng phạm với vai trò không đáng kể;
- Các lần phạm tội do người phạm tội tự thú
- Người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm.