Nhiều loại tài sản bảo đảm được ghi nhận rõ ràng hơn trước sẽ mở ra nhiều cơ hội và tạo thuận lợi hơn cho các ngân hàng và các tổ chức vay vốn thực hiện giao dịch bảo đảm
Căn cứ pháp lý:
- Nghị định số 21/2021/NĐ-CP.
-
Làm rõ hơn về các loại tài sản bảo đảm
Nghị định số 21/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/5/2021 đã quy định rõ hơn về các loại tài sản có thể được dùng để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ mà trước đây ngân hàng hạn chế giao dịch do pháp lý chưa rõ ràng và rủi ro xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi vốn vay. Một số loại tài sản bảo đảm đáng chú ý được quy định bao gồm:
- Quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng: đó là quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán khác; quyền khai thác, quản lý dự án đầu tư; quyền cho thuê, cho thuê lại; quyền hưởng hoa lợi, lợi tức, lợi ích khác trị giá được bằng tiền hình thành từ hợp đồng; quyền được bồi thường thiệt hại; quyền khác trị giá được bằng tiền phát sinh từ hợp đồng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
- Tài sản hình thành từ việc góp vốn: đó là cổ phần, phần vốn góp, quyền mua phần vốn góp ; lợi tức phát sinh từ cổ phần, phần vốn góp.
- Quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên: quyền khai thác khoáng sản; sản phẩm của rừng tự nhiên, trừ động vật; hải sản tự nhiên; tài nguyên nước, trừ nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp; yến sào thiên nhiên.
- Quyền tài sản phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ
- Dự án đầu tư, tài sản thuộc dự án đầu tư: Chủ đầu tư có thể dùng toàn bộ dự án đầu tư, quyền tài sản khác hoặc tài sản khác thuộc dự án đầu tư để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
-
Bảo vệ quyền lợi của ngân hàng đối với tài sản bảo đảm
Nghị định số 21/2021/NĐ-CP khẳng định quyền lợi của ngân hàng nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm.
Theo đó ngân hàng có quyền truy đòi tài sản bảo đảm trong trường hợp tài sản bảo đảm bị chuyển giao cho người khác. Đây là cơ sở để bảo vệ khả năng thu hồi nợ của ngân hàng và cũng là lời cảnh báo cho các bên nào muốn tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.