Việc giao con cho ai nuôi dưỡng sẽ được tòa án quyết định dựa trên các tiêu chí về điều kiện kinh tế và tinh thần để tạo cho trẻ có môi trường phát triển tốt nhất
Căn cứ pháp lý:
- Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13.
Khi giải quyết một vụ án ly hôn, tòa án sẽ giải quyết 3 vấn đề sau đây:
- Quan hệ hôn nhân;
- Quyền trực tiếp nuôi con chung;
- Phân chia tài sản và các khoản nợ.
Với mỗi vấn đề, sẽ có các nguyên tắc khác nhau để tòa án áp dụng để giải quyết vụ án.
Trong đó, khi giải quyết quyền trực tiếp nuôi con chung, tòa án sẽ quyết định trên cơ sở bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho trẻ em. Bởi lẽ người con là người đứng giữa, không có lỗi về việc ly hôn của cha mẹ. và khi ly hôn người con sẽ là người chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Căn cứ Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình, có 4 nguyên tắc giải quyết quyền nuôi con như sau:
- Dựa trên sự thỏa thuận của vợ chồng
- Bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con
- Xem xét nguyện vọng của con (nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên)
- Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Tòa án sẽ kết hợp các nguyên tắc đó để quyết định sẽ giao con cho ai nuôi dưỡng trên cơ sở đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho con.
Cụ thể các nguyên tắc giải quyết việc nuôi con như sau:
- Nguyên tắc thứ 1: Dựa trên sự thỏa thuận giữa các bên.
Do đó, nếu vợ chồng thỏa thuận được ai sẽ nuôi con thì thỏa thuận đó sẽ được tòa án xem xét công nhận. Cần lưu ý, tòa án sẽ không đương nhiên công nhận thỏa thuận đó của vợ chồng. Nếu thỏa thuận đó mà dẫn đến không bảo đảm quyền lợi của con, không đúng nguyện vọng của con thì có thể cũng không được tòa án chấp nhận.
- Nguyên tắc thứ 2: Bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con.
Việc giao con cho ai nuôi dưỡng sẽ được tòa án quyết định trên các tiêu chí về điều kiện kinh tế và tinh thần để tạo cho trẻ có môi trường phát triển tốt nhất.
Ví dụ như: được trông nom, chăm sóc tốt nhất, được nuôi dạy và tiếp cận giáo dục tốt nhất, được phát triển tâm sinh lý tốt nhất.
Vì vậy, trong trường hợp cả vợ và chồng đều muốn giành quyền nuôi con, thì mỗi bên sẽ phải chứng minh được mình có đủ điều kiện vật chất về thu nhập, tài sản, nơi ở ổn định… Về tinh thần phải chứng minh bản thân có phẩm chất đạo đức tốt để giáo dục con, có đủ thời gian để ở bên con, chăm sóc, nuôi dưỡng con, luôn phải đặt con lên hàng đầu.
- Nguyên tắc thứ 3: Xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên.
Nguyên tắc này nhấn mạnh đến nguyện vọng của con. Con thích sống chung với cha hay mẹ. Trẻ em cũng có quyền được lựa chọn của mình, và tòa án cũng tôn trọng sự lựa chọn đó của đứa trẻ. Bởi lẽ, nếu được sống với người mà con mong muốn thì một phần nào đó cũng tạo cho đứa trẻ tâm lý tích cực sau khi cha mẹ ly hôn.
- Nguyên tắc thứ 4: Giao con dưới 36 tháng tuổi cho mẹ trực tiếp nuôi.
Giai đoạn trẻ dưới 36 tháng tuổi lúc lúc trẻ vẫn cần sự chăm sóc trực tiếp từ người mẹ. Vì vậy người mẹ sẽ được ưu tiên chăm sóc con ở lứa tuổi này.
Tuy nhiên, không phải cứ con dưới 36 tháng là người vợ sẽ trực tiếp nuôi con. Mà tòa án vẫn xem xét đến nguyên tắc số 2 là bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con. Do đó, nếu người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con. Ví dụ như có khó khăn về kinh tế, thường xuyên phải đi công tác, thu nhập không ổn định, thường xuyên phải thay đổi chỗ ở … Mà trong khi đó người cha lại có điều kiện để nuôi con tốt hơn, ví dụ như có nhà ở với ông bà, có làm việc cho một doanh nghiệp theo hợp đồng lao động, có lối sống lành mạnh thì có thể tòa án sẽ giao cho người chồng trực tiếp nuôi con.
Lưu ý, xuất phát từ mối quan hệ nhân thân giữa cha mẹ và con cái. Chăm sóc con cái vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của cha mẹ.
Vì vậy, căn cứ Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình, sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.