Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là một căn cứ để doanh nghiệp bảo hiểm chi trả tiền bồi thường cho khách hàng. Vì vậy khách hàng cần lưu ý để bảo đảm quyền lợi của mình
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, được sửa đổi, bổ sung năm 2010 và năm 2019.
Trên cơ sở pháp luật dân sự, hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và người mua bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm là một căn cứ để doanh nghiệp bảo hiểm chi trả quyền lợi bảo hiểm cho người được bảo hiểm, người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm.
Do vậy, nếu người mua bảo hiểm không thực hiện đúng thỏa thuận hoặc hợp đồng bảo hiểm bị vô hiệu thì quyền lợi của người mua bảo hiểm sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm có thể sẽ không được chi trả quyền lợi dù xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Chúng tôi tổng hợp một số trường hợp có thể người mua bảo hiểm, người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm sẽ không được bồi thường để các bạn lưu ý:
-
Không đóng phí bảo hiểm đầy đủ và đúng hạn
Tùy vào chính sách của từng doanh nghiệp bảo hiểm, người mua bảo hiểm có thể đóng phí định kỳ theo tháng/quý/năm. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân có thể do không nắm rõ nghĩa vụ đóng phí, hoặc gặp khó khăn tài chính mà nhiều người mua bảo hiểm đã không thanh toán phí bảo hiểm đầy đủ và đúng hạn.
Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định, nếu người mua bảo hiểm trễ hạn đóng phí thì doanh nghiệp bảo hiểm có thể gia hạn đóng phí. Trong thời gian gia hạn, người mua bảo hiểm vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm nếu xảy ra sự kiện rủi ro.
Nếu sau 60 kể từ ngày gia hạn đóng phí mà người mua bảo hiểm vẫn không đóng phí thì:
- Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng, bên mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng nếu thời gian đã đóng phí bảo hiểm dưới 02 năm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
- Nếu người mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm từ 02 năm trở lên và họ không yêu cầu chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, thì tùy chính sách riêng của mình và hợp đồng đã ký, doanh nghiệp bảo hiểm có thể xử lý như sau:
- Nếu mức phí đóng một kỳ lớn hơn giá trị của các khoản quyền lợi, bảo tức và lãi tích lũy chưa rút, thì khoản phí bảo hiểm còn thiếu sẽ tự động được thanh toán từ giá trị tiền mặt nhận được theo hợp đồng trừ các khoản nợ (nếu có) của hợp đồng, và hợp đồng bảo hiểm vẫn có hiệu lực;
- Nếu giá trị tiền mặt nhận được theo hợp đồng trừ các khoản nợ vẫn không đủ để thanh toán mức phí một kỳ bảo hiểm, thì hợp đồng bảo hiểm sẽ tự động được chuyển sang kỳ đóng phí ngắn hơn (nhưng tối thiểu là hàng tháng) để tiếp tục tự động được thanh toán từ giá trị tiền mặt trừ các khoản nợ (nếu có) còn lại;
- Nếu giá trị tiền mặt nhận được theo hợp đồng trừ các khoản nợ (nếu có) không đủ đóng phí bảo hiểm hàng tháng, thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng.
-
Cung cấp thông tin không trung thực
Khi tham gia bất cứ hợp đồng nào, các bên phải cung cấp thông tin trung thực. Với hợp đồng bảo hiểm, người mua bảo hiểm có nghĩa vụ kê khai thông tin chính xác, đầy đủ. Đây là cơ sở để doanh nghiệp bảo hiểm đánh giá rủi ro, chấp nhận cấp hợp đồng bảo hiểm. Và khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả quyền lợi theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Do đó, nếu người mua bảo hiểm cố ý khai báo không trung thực, doanh nghiệp bảo hiểm có thể từ chối bồi thường bảo hiểm khi rủi ro xảy ra.
-
Nhờ người ký tên thay nhưng không có văn bản ủy quyền
Theo pháp luật dân sự, người mua bảo hiểm phải tự mình ký tên trên hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, cũng như hợp đồng bảo hiểm. Người mua bảo hiểm có thể ủy quyền cho người khác lập và ký các hồ sơ này. Tuy nhiên để bảo đảm pháp lý và quyền lợi của mình, người mua bảo hiểm cần có văn bản ủy quyền hợp lệ cho người ký thay.
Nếu không có văn bản ủy quyền thì doanh nghiệp bảo hiểm có thể căn cứ vào đó để từ chối bồi thường bảo hiểm khi xảy ra rủi ro.
-
Đại lý bảo hiểm không nộp tiền về doanh nghiệp bảo hiểm
Việc đóng phí được thực hiện bằng cách: người mua bảo hiểm thanh toán trực tiếp cho doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người mua bảo hiểm thanh toán cho đại lý bảo hiểm sau đó đại lý bảo hiểm sẽ chuyển tiếp khoản phí đó cho doanh nghiệp bảo hiểm.
Tuy nhiên, có tình trạng đại lý bảo hiểm đã thu phí bảo hiểm đầy đủ từ khách hàng nhưng không chuyển khoản phí đó cho doanh nghiệp bảo hiểm, thậm chí bỏ trốn. Gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp bảo hiểm, mà đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi bảo hiểm của người mua bảo hiểm hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm có thể cho rằng người mua bảo hiểm không nộp phí bảo hiểm và từ chối bồi thường.
Để tránh rủi ro này, người mua bảo hiểm nên tự mình thanh toán cho doanh nghiệp bảo hiểm và theo dõi các thông báo phí cũng như kiểm tra thường xuyên tình trạng thanh toán và nợ phí bảo hiểm.