Bên bị vi phạm hợp đồng được quyền áp dụng chế tài để bảo vệ quyền lợi của mình cũng như hạn chế thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.
Bài viết được sự tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Quang Trung
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Thương mại năm 2005.
Một khi hợp đồng thương mại được xác lập, các bên trong hợp đồng phải tôn trọng và tuân thủ những thỏa thuận đã giao kết.
Trường hợp một bên vi phạm hợp đồng thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng chế tài để bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên khả năng sử dụng chế tài hiệu quả như thế nào phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật soạn thảo hợp đồng và việc thực hiện hợp đồng trên thực tế.
Căn cứ Điều 292 Luật Thương mại năm 2005, có 6 chế tài chính trong thương mại, bao gồm:
- Buộc thực hiện đúng hợp đồng.
- Phạt vi phạm.
- Buộc bồi thường thiệt hại.
- Tạm ngừng thực hiện hợp đồng.
- Đình chỉ thực hiện hợp đồng.
- Huỷ bỏ hợp đồng.
Ngoài ra, các bên có thể thỏa thuận thêm các chế tài khác theo nhu cầu nhưng không được trái quy định pháp luật.
Thực tế, trong các loại chế tài nêu trên, có 3 chế tài được áp dụng rất phổ biến trong quan hệ thương mại như sau:
-
Buộc thực hiện đúng hợp đồng
Chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng có mục tiêu bảo vệ hợp đồng được tiếp tục thực hiện để các bên có thể đạt được mục đích giao kết hợp đồng.
Chế tài này có thể được áp dụng ngay cả khi hợp đồng không có điều khoản thỏa thuận về việc áp dụng.
Căn cứ Điều 297 Luật Thương mại năm 2005, khi có hành vi vi phạm hợp đồng, bên bị vi phạm có thể áp dụng chế tài như sau:
- Trường hợp bên vi phạm giao thiếu hàng hoặc cung ứng dịch vụ không đúng hợp đồng thì phải giao đủ hàng hoặc cung ứng dịch vụ theo đúng thoả thuận trong hợp đồng. Nếu bên vi phạm không khắc phục thì bên bị vi phạm có quyền mua hàng, nhận cung ứng dịch vụ của người khác để thay thế theo đúng loại hàng hoá, dịch vụ ghi trong hợp đồng và bên vi phạm phải trả khoản tiền chênh lệch và các chi phí liên quan nếu có
- Trường hợp bên vi phạm giao hàng hoá, cung ứng dịch vụ kém chất lượng thì phải loại trừ khuyết tật của hàng hoá, thiếu sót của dịch vụ hoặc giao hàng khác thay thế, cung ứng dịch vụ theo đúng hợp đồng. Nếu bên vi phạm không khắc phục thì bên bị vi phạm có quyền tự sửa chữa khuyết tật của hàng hoá, thiếu sót của dịch vụ và bên vi phạm phải trả các chi phí thực tế hợp lý.
- Bên vi phạm không được dùng tiền hoặc hàng khác chủng loại, loại dịch vụ khác để thay thế nếu không được sự chấp thuận của bên bị vi phạm.
- Trường hợp bên vi phạm là bên mua thì bên bán có quyền yêu cầu bên mua trả tiền, nhận hàng hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác theo thỏa thuận và theo quy định pháp luật.
-
Phạt vi phạm hợp đồng
Chế tài phạt vi phạm hợp đồng có mục tiêu răn đe, trừng phạt và nâng cao ý thức tôn trọng thỏa thuận đã giao kết, tuân thủ hợp đồng.
Chế tài phạt vi phạm hợp đồng chỉ được áp dụng nếu trong hợp đồng có điều khoản thỏa thuận về việc áp dụng. Vì vậy, nội dung hợp đồng cần chỉ rõ những tình huống nào sẽ là điều kiện để một bên được áp dụng phạt vi phạm hợp đồng.
Lưu ý về mức phạt tối đa trong hợp đồng thương mại nói chung là 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm, trừ các hợp đồng trong các lĩnh vực sau:
- Lĩnh vực xây dựng: mức phạt tối đa là 12% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm;
- Lĩnh vực giám định thương mại: mức phạt tối đa không vượt quá 10 lần thù lao dịch vụ giám định.
-
Bồi thường thiệt hại
Chế tài bồi thường thiệt hại có mục tiêu bù đắp cho các thiệt hại mà bên bị vi phạm phải gánh chịu do sự vi phạm hợp đồng gây ra. Các thiệt hại có thể bao gồm:
- Giá trị tổn thất thực tế và trực tiếp do bên vi phạm gây ra;
- Khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
Cần lưu ý, không phải mọi hành vi vi phạm hợp đồng đều dẫn đến thiệt hại. Do đó, khi muốn áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại, bên bị vi phạm cần chỉ rõ được 3 vấn đề:
- Hành vi vi phạm hợp đồng là gì?
- Đã phát sinh thiệt hại thực tế nào?
- Thiệt hại thực tế đó có phải do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra hay không?
Ngoài ra, theo lẽ thường thì khi nhận thấy có khả năng xảy ra thiệt hại hoặc thiệt hại đang xảy ra thì bên bị thiệt hại phải tìm mọi cách để ngăn chặn thiệt hại. Do đó, bên bị thiệt hại cần lưu ý, khi có hành vi vi phạm hợp đồng thì cần áp dụng các biện pháp ngăn chặn, hạn chế tổn thất. Nếu bên bị vi vi phạm hợp đồng không thực hiện thì bên vi phạm có thể từ chối toàn bộ hoặc một phần mức bồi thường thiệt hại.
Chế tài này có thể được áp dụng ngay cả khi hợp đồng không có điều khoản thỏa thuận về việc áp dụng, cũng như có thể kết hợp với các chế tài khác để bảo vệ tối đa quyền lợi bị xâm phạm.